Bên cạnh cờ Vua thì cờ Tướng cũng là một bộ môn được rất nhiều người ưa chuộng, thậm chí ở Việt Nam, cờ Tướng còn phổ biến hơn cả cờ Vua bởi đối tượng người chơi bao phủ từ người già cho tới người trẻ tuổi, từ nam cho tới nữ. Chính vì thế, học cách chơi cờ Tướng là chủ đề không ít người quan tâm bởi thích là một chuyện nhưng làm thế nào để chơi thạo lại là chuyện khác, trong khi các quân cờ cũng như luật chơi của bộ môn cờ Tướng phức tạp hơn hẳn so với cờ Vua.
Nếu bạn thực sự đam mê trò chơi đấu trí này và muốn trở thành một kỳ thủ trong môn cờ Tướng thì hãy học ngay cách chơi cờ Tướng từ những hướng dẫn căn bản dưới đây nhé.
Đôi nét về cờ Tướng, bàn cờ và các quân cờ
Cờ Tướng hay còn được gọi là cờ Trung Hoa, là một trò chơi đấu trí về mặt trí tuệ dành cho hai người, nằm trong cùng thể loại với vờ Vua, janggi và shogi. Hiện trò chơi này đang được ưa chuộng phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Đài Loan, Trung Quốc và trong đó có cả Việt Nam.
Mô phỏng một cuộc chiến giữa hai đất nước mà mỗi bên đều xác định mục tiêu là bắt bằng được quân Tướng của đối phương, cờ Tướng mang nhiều đặc điểm khác biệt hẳn so với cờ Vua hay các trò chơi cùng thể loại khác. Điều đó thể hiện rõ nhất ở việc các quân cờ được đặt tại vị trí các nút giao điểm của các đường chứ không đặt vào giữa ô, đặc biệt là quân Pháo trong cách chơi cờ Tướng cần phải nhảy qua một quần cờ khác khi thực hiện hành động ăn quân cờ của đối phương. Ngoài ra, trong cờ Tướng còn có khái niệm cung, sông là nhằm để giới hạn sự hoạt động của các quân Tướng, Tượng, Sĩ.
Bàn cờ Tướng có hình dạng chữ nhật được tạo nên bởi 10 đường kẻ ngang và 9 đường kẻ dọc cắt vuông góc nhau tại 90 điểm hợp thành. Trên bàn cờ luôn có một khoảng trống gọi là sông (hay còn gọi là hà) nằm ngang giữa bàn cờ, từ đó chia đôi bàn cờ thành hai phần bằng nhau, đối xứng nhau. Mỗi bên chơi sẽ có một cung Tướng (Cửu cung) hình vuông được hợp thành bởi 4 ô tại các đường dọc số 4, số 5 và số 6 tính từ đường ngang cuối của mỗi bên. Trong Cửu cung có vẽ hai đường chéo xuyên qua nhau.
Theo quy ước, khi quan sát chính diện bàn cờ Tướng thì phía dưới sẽ là quân Trắng hoặc quân Đỏ, còn phía trên sẽ là quân Đen. Khi đó, các đường dọc nằm bên phần quân Trắng (Đỏ) được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 9 tính từ phải qua trái, còn các đường dọc nằm bên phần của quân Đen sẽ được đánh số ngược lại từ 9 tới 1 tính từ phải qua trái.
Trong cách chơi cờ Tướng, mỗi ván cờ khi bắt đầu phải có đủ 32 quân cờ được chia đều cho hai bên, tức mỗi bên sở hữu 16 quân cờ với 7 loại quân mang ký hiệu và số lượng như hình dưới đây:
Nguyên tắc di chuyển của các quân cờ Tướng
- Quân Tốt (hay còn gọi là quân Binh) sẽ đi được một ô trong mỗi nước. Trong trường hợp Tốt chưa vượt qua sông thì nó chỉ có khả năng đi thẳng tiến; còn khi đã vượt sông rồi thì hoàn toàn có thể đi thẳng tiến 1 ô mỗi nước hoặc đi ngang 1 ô mỗi nước đều được.
- Quân Pháo sẽ đi ngang và đi dọc giống như quân Xe nhưng điểm khác biệt là Pháo phải nhảy qua đúng 1 quân cờ nào đó thì mới có khả năng ăn quân của đối phương. Khi không ăn quân, trên đường di chuyển của quân Pháo từ điểm đi đến điểm đến phải không có quân cản thì mới hợp lệ.
- Quân Mã có khả năng đi ngang 2 ô và đi dọc 1 ô hoặc đi ngang 1 ô và đi học 2 ô trong mỗi nước đi. Tuy nhiên, nếu có quân khác nằm bên cạnh quân Mã và cản đường ngang 2 hay đường dọc 2 của nó thì quân Mã sẽ không đi được đường đó nữa.
- Quân Xe có khả năng di chuyển linh hoạt trên bàn cờ Tướng, đi ngang hay dọc đều được miễn là không có quân cờ nào cản đường nó tính từ điểm đi cho tới điểm đến.
- Quân Tượng trong cách chơi cờ Tướng có khả năng đi chéo 2 ô, tức đi ngang 2 ô và dọc 2 ô trong mỗi nước đi. Có một điểm lưu ý là quân Tượng chỉ được phép di chuyển trong khu vực bàn cờ của quân mình mà không được phép vượt sông sang khu vực của đối phương. Ngoài ra, nước đi của quân Tượng được coi là không hợp lệ nếu có một quân cờ nào đó nằm chặn ở giữa đường đi.
- Quân Sĩ trong bộ môn cờ Tướng phải luôn nằm ở trong cung như con Tướng và chỉ có khả năng đi chéo 1 ô trong mỗi nước.
- Quân Tướng có thể đi ngang hay đi dọc nhưng chỉ có thể đi từng ô một mỗi nước đi. Như đã nói, quân Tướng phải luôn nằm trong phạm vu cung (khu vực đánh dấu chéo hình chữ X trên bàn cờ) mà không được di chuyển ra bên ngoài.
Cách chơi cờ Tướng cơ bản mà ai cũng nên biết
Bộ môn cờ Tướng có rất nhiều các quy tắc riêng khác biệt hẳn so với cờ Vua hay các môn cờ khác. Những quy tắc trong cờ Tướng khá phức tạp và có thể nói là “khó nhằn” đối với những người chưa biết chơi, thậm chí người mới học chơi cũng mất khá nhiều thời gian mới có thể nhớ hết được. Để có thể chơi được cờ Tướng, bạn cần nắm rất chắc những khái niệm căn bản như sau:
Bắt quân
- Khi một quân cờ nào đó đi tới một giao điểm đã có quân cờ của đối phương đứng đó thì hoàn toàn có quyền bắt quân cờ đó và chiếm giữ vị trí của quân bị bắt.
- Trong bất cứ trường hợp nào, một quân cờ không thể bắt quân cờ khác của chính bên mình.
- Trong cờ Tướng, bạn được phép thực hiện chiến thuật của mình bằng việc cho phép đối phương bắt quần cờ của mình, thậm chí là có thể chủ động đi những nước cờ để hiến quân của mình cho đối phương, trừ việc không được hiến Tướng.
- Khi một quân cờ nào đó bị bắt thì phải loại bỏ gọi bàn cờ bằng cách nhấc hẳn ra ngoài và không được tham chiến nữa.
Chiếu tướng
- Chiếu tướng là cách để bạn giành chiến thắng trước đối phương. Chiếu tướng là khái niệm chỉ việc quân cờ của một bên nào đó đi một nước đi uy hiếp để nước đi tiếp theo có khả năng bắt được quân Tướng của đối phương hoặc tạo điều kiện cho một quân cờ khác bên mình bắt được quân Tướng của đối phương.
- Bên có quân Tướng bị chiếu tướng cần phải tìm mọi cách tháo gỡ tình thế, đồng thời thực hiện chiến thuật nhằm hạn chế tối đa việc bị chiếu tướng. Nếu không làm được điều đó thì sẽ bị thua trong ván cờ.
- Khi một bên thực hiện nước đi chiếu tướng thì phải hô lên “chiếu tướng” hoặc cũng có thể không cần hô cũng không sao cả.
- Quân Tướng trong cách chơi cờ Tướng có thể bị chiếu tướng ở tứ hướng: phía trước, phía sau, bên trái, bên phải.
- Bên bị chiếu tướng phải thực hiện nước đi của quân Tướng để di chuyển sang một vị trí khác có khả năng tránh được nước chiếu tướng đó, hoặc bắt quân cờ đang chiếu tướng của đối phương, hoặc dùng một quân cờ khác của mình để cản đường của quân chiếu tướng nhằm che đỡ cho tướng của mình.
Chống tướng
- Trong cờ Tướng, hai Tướng của hai bên không được cùng nằm trên một cột dọc mà không có bất cứ quân cờ nào khác (của một trong hai bên) cản ở giữa. Lúc đó gọi là chống tướng.
- Bất cứ nước đi nào của một trong hai bên khiến cho 2 quân Tướng nằm ở vị trí chống tướng đều là không hợp lệ.
Đuổi Quân
Đuổi Quân là khái niệm chỉ việc một quân cờ nào đó di chuyển tới một vị trí mới mà tạo điều kiện cho nó bắt được quân cờ của đối phương trong nước đi tiếp theo, trừ quân Tướng. Hoặc là một nước đi tạo điều kiện cho quân Pháo của mình chiếu quân cờ của đối phương.
Tuy nhiên, đuổi quân loại trừ các trường hợp sau:
- Nước đi của Tướng hoặc Tốt chiếu quân của đối phương không được gọi là nước đuổi quân;
- Nước đi hăm dọa Tốt khi quân Tốt chưa sang sông không được gọi là nước đuổi quân;
- Nước đi thí quân không được gọi là nước đuổi quân.
Thắng cờ
Trong cách chơi cờ Tướng, thắng cờ xảy ra khi:
- Bạn chiếu bí được Tướng của đối phương;
- Bạn chiếu Tướng của đối phương mà họ không có cách nào chống đỡ cho tướng của mình được;
- Đối phương không đi đủ số nước theo quy định của trò chơi cờ Tướng trong một khoảng thời gian quy định;
- Đối phương tới muộn quá thời gian quy định để có thể bắt đầu một ván đấu;
- Đối phương sử dụng quân chiếu mãi hoặc sử dụng nhiều quân cờ khác nhau thay nhau chiếu mãi. Nếu không thay đổi nước đi thì đối phương sẽ bị xử thua trong ván đấu đó;
- Đối phương phạm luật cấm trong quá trình đấu cờ mà không chịu thay đổi nước đi, trong khi bên còn lại không phạm luật;
- Đối phương tuyên bố xin thua tự nguyện.
Thua cờ
Thua cờ trong cờ Tướng xảy ra trong những trường hợp như sau:
- Không ghi chép biên bản nước cờ 3 lần, mỗi lần gồm 4 nước đi liên tục;
- Đối phương mắc lỗi tác phong 3 lần, mắc lỗi kỹ thuật 3 lần;
- Đối phương vi phạm một trong các trường hợp được quy định bị xử thua cụ thể trên từng thế cờ.
Hòa cờ
- Trọng tài xét thấy ván đấu dù có tiếp tục cũng không thể tìm được người thắng cuộc. Tức là cả hai bên không còn sở hữu quân cờ nào có khả năng tấn công đối phương, chiếu bí để giành chiến thắng;
- Khi tổng số nước đi là 30 kể từ lần cuối cùng ván đấu có tiến triển. Khái niệm ván đấu có tiến triển thể hiện khi có quân cờ bị bắt hoặc quân Tốt sang sông đồng thời tiến thêm một bước;
- Hai bên không phạm luật cấm và không chịu thay đổi nước đi của mình;
- Hai bên đều vi phạm một điều luật cấm cùng lúc;
- Khi tổng số nước đi của cả ván đấu lên tới con số 300;
- Khi một bên đấu đề nghị hòa cờ và đối phương cũng đồng ý;
- Khi một bên đề nghị hòa cờ và trọng tài kiểm tra thấy cả hai bên đều đã đi đủ 60 nước cờ mà không có một nước nào bắt quân;
- Lưu ý: Khi một bên đang bị chiếu hết và bị vây chặt, không còn có thể đi thêm một nước đi nào nữa thì không được phép đưa ra lời đề nghị hòa cờ.
Lời kết
Trên đây là cách chơi cờ Tướng vô cùng chi tiết. Hy vọng những hướng dẫn này sẽ giúp cho những người mới bắt đầu hiểu hơn về cờ Tướng cũng như cách chơi của nó để rèn luyện thêm mỗi ngày nhé.