Là môn cờ cổ đại xuất phát từ Trung Hoa, Cờ Vây với sự hấp dẫn rất lớn luôn thu hút cộng đồng người chơi đông đảo. Nếu biết cách chơi Cờ Vây, bạn có thể trải nghiệm môn cờ thú vị này. Còn nếu chưa biết cách chơi thì ngay sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm qua nội dung bài viết sau nhé!
Cờ Vây là loại cờ gì? Nguồn gốc từ đâu?
Được phát minh từ thời cổ đại bởi người Trung Hoa, Cờ Vây là dạng trò chơi chiến lược cho hai người chơi, hiện nay được quốc tế công nhận là một trong những loại cờ lâu đời nhất hiện vẫn còn được sử dụng và ưa chuộng. Loại cờ này được chơi phổ biết nhất ở các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã và đang lan rộng ra nhiều nước thuộc các Châu lục khác.
Các thành phần trong bộ Cờ Vây
Trước khi tìm hiểu về cách chơi Cờ Vây thì bạn cần phải nắm chắc các thành phần trong một bộ Cờ Vây, bao gồm bàn cờ và các quân cờ.
1. Bàn cờ
Bàn Cờ Vây có dạng hình vuông giống như bàn cờ tướng hay cờ vua, bao gồm các đường thẳng ngang và dọc đều đặn cắt nhau tại thành nhiều ô vuông nhỏ và những giao điểm với khoảng cách đều nhau.
Có nhiều loại bàn Cờ Vây khác nhau tùy thuộc vào đơn vị tính là số ô vuông được tạo thành bởi những đường thẳng dọc và ngang như đã nói ở trên. Phổ biến nhất hiện nay là các loại bàn Cờ Vây 9×9, 13×13 và 19×19 ô vuông.
Theo văn hóa phương Đông, bàn cờ 19×19 ô vuông được ưa chuộng hơn cả bởi bàn cờ này tạo thành 361 giao điểm tượng trưng cho 361 ngày trong năm tính theo lịch âm. Bên cạnh đó, 4 góc của bàn cờ cũng được xem là tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông trong năm.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mới làm quen với bộ môn Cờ Vây thì chỉ nên chơi trên bàn cờ 9×9 ô vuông cho đơn giản, khi đó, bạn có thể dễ dàng hơn trong việc nắm bắt các chiến thuật chơi cơ bản nhất. Sau khi đã biết cách chơi Cờ Vây thành thạo và muốn có thêm nhiều không gian chơi hơn thì bạn có thể chuyển sang các loại bàn cờ 13×13 hay 19×19. Khi nâng cấp bàn cờ, bạn phải tư duy lối chơi linh hoạt hơn chứ không thể chỉ áp dụng những chiến thuật chơi cơ bản như trên bàn cờ 9×9.
2. Quân cờ
Cũng giống như cờ vua hay cờ tướng, trong bộ môn Cờ Vây, các quân cờ cũng được chia thành 2 màu tượng trưng cho 2 phe của 2 người chơi. Tuy nhiên, với Cờ Vây, hai màu sắc sẽ chỉ là đen và trắng.
Mỗi bàn cờ sẽ có khoảng 400 quân cờ chia đều cho hai phe. Số lượng cờ này đủ để đặt vào tất cả các giao điểm trên tất cả các loại bàn cờ.
Cách chơi Cờ Vây đơn giản, đúng kỹ thuật
1. Các quy tắc chơi cơ bản
- Quy tắc 1: Sẽ không có bất cứ quân cờ nào trên bàn cờ khi trận đấu được bắt đầu. Sau đó, bên cầm quân cờ màu đen sẽ đi trước.
- Quy tắc 2: Khi chơi, người chơi có thể đặt quân cờ của mình vào bất cứ giao điểm nào trên bàn cờ miễn là vị trí đó trống. Tuy nhiên không được đặt cờ vào giữa hay trên cạnh của ô vuông, và không đặt cờ vượt phạm vi của bàn cờ đang chơi.
- Quy tắc 3: Các quân cờ sau khi được đi sẽ chỉ nằm bất di bất dịch tại giao điểm được đặt, không được đi lại hay di chuyển như trong cờ vua, cơ tướng. Trừ khi quân cờ bị ăn quân thì mới bị loại bỏ khỏi bàn cờ.
- Quy tắc 4: Mỗi người chơi sẽ chỉ được đặt 1 quân cờ của mình xuống bàn cờ trong mỗi lượt chơi. Lượt chơi của người này kết thúc sẽ đến lượt chơi của đối thủ và ngược lại, tuần tự lần lượt như thế. Nếu vi phạm sẽ bị xử thua.
- Quy tắc 5: Người chơi có quyền bỏ lượt không đi cờ, và cả hai người chơi đều có quyền bỏ lượt cùng lúc. Tuy nhiên thì lúc đó, ván cờ sẽ kết thúc và người chơi nào có số quân cờ được đặt trên bàn cờ nhiều hơn sẽ là người giành chiến thắng.
2. Luật ăn quân
Khái niệm Khí của mỗi quân cờ
Khi một quân cờ được đặt xuống bàn cờ ở vị trí giao điểm bất kỳ thì Khí của nó sẽ tính là tất cả các giao điểm nằm ngay cạnh theo nhiều dọc và chiều ngang, không tính giao điểm nằm chéo.
Mỗi người chơi có thể đặt nhiều quân cờ trên bàn cờ ở vị trí các giao điểm sát nhau để mở rộng Khí. Duy chỉ có những quân cờ nằm ở vị trí chéo sát nhau sẽ không thể mở rộng Khí cho nhau được.
Luật ăn quân
Trong cách chơi Cờ Vây, khi một quân cờ của địch đặt vào giao điểm tại vị trí Khí của một quân cờ của mình thì quân cờ của mình sẽ mất đi một vị trí Khí đó. Và khi càng có nhiều quân cờ của địch đặt vào các vị trí Khí của cùng một quân cờ thì quân cờ đó càng mất nhiều vị trí Khí. Một khi quân cờ bị mất hết vị trí Khí, không còn ô Khí nào thì sẽ bị loại khỏi bàn cờ ngay lập tức.
Ví dụ như trong hình dưới đây, nếu người chơi quân cờ trắng được đi nước tiếp theo và đặt quân cờ của mình vào vị trí đánh dấu X trên bàn cờ thì người chơi quân trắng sẽ được phép ăn những quân cờ đen đã được đánh dấu.
Điểm hết khí:
Quân cờ có thể được đặt vào bất cứ điểm nào, miễn là vị trí đó còn Khí. Bạn sẽ không thể đặt quân cờ của mình vào điểm hết Khí, nhưng nếu đó là điểm nối quân thì vẫn được phép đặt.
Ví dụ: Điểm tam giác là điểm hết khí của đen nên quân đen sẽ không được phép đặt vào. Nhưng đây lại là điểm nối quân của trắng nên quân trắng được phép đặt.
Ngoại lệ
Bạn vẫn có thể được đặt quân cờ của mình tại điểm hết Khí nếu như sau khi đặt có thể ăn được quân cờ của đối thủ. Ví dụ như hình minh họa dưới đây, tại vị trí hết Khí (vị trí tam giác), khi quân đen được đặt thì những quân trắng sẽ bị hết Khí và bị loại bỏ khỏi bàn cờ.
Đất – Mục tiêu của ván cờ
Trong cách chơi Cờ Vây, mục tiêu của người chơi là phải thu được càng nhiều Đất càng tốt thì mới có khả năng giành chiến thắng. Đất chính là số giao điểm trống mà các quân cờ của người chơi bao vây được, bao gồm phạm vi các giao điểm nằm giữa các quân cờ và các cạnh biên của bàn cờ).
Khi chơi, nếu người chơi có cảm giác là mình đã chiếm được Đất hết khả năng rồi, không thể chiếm hơn được nữa thì có thể bỏ lượt. Còn khi cả hai bên bỏ lượt thì ván đấu kết thúc và phân định thắng thua bằng cách đếm đất và số quân cờ trên bàn cờ.
Lưu ý: Khi đếm Đất thì quân trắng sẽ được cộng ưu tiên 5.5 – 6.5 Đất tùy thuộc vào giao ước trước mỗi ván đấu bởi quân trắng chịu thiệt thòi hơn khi phải ra quân sau quân đen.
Tạo Mắt cho các quân cờ
Trong Cờ Vây, Mắt là khái niệm dùng để chỉ giao điểm hay các điểm hết Khí mà một bên quân bao vây xung quanh và đối thủ không được phép đặt quân vào đó.
- Trong trường hợp chỉ có 1 Mắt: Bạn có thể ăn tất cả quân cờ của đối thủ nếu bao vây toàn bộ chúng khi chúng chỉ có một Mắt.
- Trong trường hợp có 2 Mắt trở lên: Trường hợp có 2 mắt trở lên thì dù bạn có bao vây toàn bộ quân của đối thủ và đặt một quân của mình vào một Mắt thì đối thủ vẫn còn ít nhất một Mắt nữa để vận khí. Khi đó, quân cờ mà bạn đặt vào sẽ bị loại ngay lập tức, đồng thời quân đối thủ vẫn sẽ sống sót bình thường.
Thu Quan
Trong cách chơi Cờ Vây, khi cả hai bên đều đã hình thành ranh giới quân của mình nhưng vẫn có thể đánh tiếp thì sẽ xảy ra trường hợp Thu Quan. Lúc này, khi đã có phòng tuyến vững chắc thì hai bên vẫn sẽ tiếp tục chiếm thêm Đất cho mình để mở rộng thêm ranh giới quân.
Kết thúc ván cờ
Như đã nói ở trên, mỗi ván cờ sẽ kết thúc khi cả hai người chơi đều bỏ lượt đi. Khi đó, thắng thua sẽ được phân định dựa trên việc bên nào chiếm được nhiều Đất hơn. Tuy nhiên, do quân cờ đen được đi trước nên theo giao ước thực tế, quân trắng sẽ được cộng thêm từ 5.5 đến 6.5 Đất để đảm bảo sự công bằng trong trò chơi
Mẹo hay trong cách chơi Cờ Vây
Khi một đám quân nào đó bị bao vây
- Với người bao vây, bạn chỉ cần đặt quân vào vị trí làm sao để bít hết Khí của đối thủ rồi đánh đòn chí mạng để loại bỏ hết quân cờ của đối phương đang bị quân mình bao vây là được.
- Với người bị bao vây, bạn sẽ không thể cứu chữa trong trường hợp này. Kể cả việc đặt thêm quân vào ô Khí cũng không thể thay đổi được thế cờ, thậm chí bạn còn tặng thêm quân cho đối thủ nữa đấy. Bạn chỉ còn cơ hội khi còn nhiều ô Khí và quân đen không thể bít hết các ô Khí này.
Hy sinh quân
Một trong những cách chơi Cờ Vây hay là tạo bẫy để bẫy đối thủ. Lúc này, bạn có thể chấp nhận hy sinh một vài quân cờ nhất định để tạo bẫy và giành lợi thế về cho mình.
Việc hy sinh quân không gây nên ảnh hưởng gì xấu cả bởi việc thắng thua sau khi ván cờ kết thúc được phân định dựa trên số Đất chiếm được chứ không phải dựa trên số quân cờ bị loại.
Tập trung chiếm Đất
Mục tiêu chính của người chơi khi chơi Cờ Vây là phải chiếm được càng nhiều Đất càng tốt chứ không phải vấn đề là ai loại được nhiều quân cờ của đối thủ hơn. Hơn nữa, việc chiếm Đất cũng sẽ giúp bạn có được nhiều ô Khí hơn, từ đó ngăn việc đối thủ phản đòn. Do đó, hãy luôn tập trung vào chiếm Đất nhé.
Rèn luyện kỹ năng Thu Quan
Khi tìm hiểu về cách chơi Cờ Vây, bạn nên rèn luyện cho mình kỹ năng Thu Quan bởi giai đoạn Thu Quan rất căng thẳng khi cả hai bên bước vào cuộc chiến tranh giành nhau từng ô đất. Kỹ năng Thu Quan giúp bạn tránh được tình trạng bị đối thủ lật ngược thế cờ.
Lưu ý cách tính điểm
Vừa chơi Cờ Vây, bạn vừa phải tính điểm, đếm thật kỹ những ô Đất mà quân mình chiếm được, đồng thời tính điểm và đếm ô Đất của cả đối thủ để nắm được tình thế và đưa ra chiến lược chơi phù hợp. Lưu ý là đừng bỏ qua điểm Đất ưu tiên dành cho quân trắng nhé.
Lời kết
Bạn thấy đấy, Cờ Vây là một trò chơ vô cùng thú vị đòi hỏi sự tư duy logic cao thì mới có được những nước cờ đúng đắn. Hy vọng cách chơi Cờ Vây chi tiết trên đây sẽ giúp bạn luyện tập ngày càng thành thạo bộ môn cờ tuyệt vời này. Chúc bạn thành công!